≡ “Mẹo” nấu cơm ngon khi không dùng nồi cơm điện? 》 Her Beauty

“Mẹo” nấu cơm ngon khi không dùng nồi cơm điện?

Advertisements

Chắc hẳn bạn đã quen nấu cơm bằng nồi cơm điện và luôn có cơm ngon. Thế nhưng, nếu mất điện khiến bạn không thể nấu cơm như thói quen thường lệ, hoặc nếu bạn đến nơi nào đó mà không có nồi cơm điện thì sẽ thế nào? Đừng lo, hãy tham khảo các gợi ý của chúng tôi để có thể có cơm ngon mà không cần nồi cơm điện nhé! 

  1. Chọn nồi gang

Để nấu cơm ngon, bạn nên chọn chiếc nồi gang. Loại nồi này sẽ giúp tụ nhiều hơi nóng, giúp hạt cơm nở đều, dẻo ngon, ít bị khê. Ngoài ra, nếu thích ăn cơm cháy, bạn chỉ cần nấu cơm lâu hơn thời gian quy định một chút, lượng cơm cháy ở đáy và xung quanh nồi sẽ khiến bạn “xiêu lòng” đấy! Cơm sau khi nấu bằng nồi gang cũng sẽ được ủ nóng, giữ nhiệt tốt hơn các loại nồi khác. 

  1. Vo gạo đúng cách

Việc vo gạo đúng cách sẽ giúp lưu giữ chất dinh dưỡng cho hạt gạo, giúp cơm không bị “nhạt”. Bạn nên dùng giá để vo gạo bởi giá có thể giúp lọc bỏ trấu hoặc sạn trong gạo và giúp gạo ráo nước. Bạn nên dùng tay nhẹ nhàng vo gạo, sau đó khuấy đều giá gạo trong nước để gạo được sạch sạn, trấu nhưng vẫn giữ được lượng cám gạo bên ngoài. Không nên vo gạo quá lâu để tránh mất các chất dinh dưỡng nhé. 

  1. Tỷ lệ gạo/nước phù hợp 

Khi nấu cơm bằng nồi cơm điện, bạn sẽ được chỉ dẫn mức nước tương ứng trong thành nồi với số gạo đã được đong. Thế nhưng, nếu nấu cơm bằng cách thông thường, bạn sẽ thêm nước với tỷ lệ nào? Tùy theo loại gạo, bạn sẽ có tỷ lệ gạo/nước phù hợp. Với loại gạo cho ra cơm khô, ưa nước, bạn nên sử dụng tỷ lệ gạo nước là ½. Ngược lại, với những loại gạo cho cơm dẻo, không ưa nước, tỷ lệ gạo nước có thể là 1/1.2 – 1/1.5.  

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng cách làm dân gian là dùng lóng tay trỏ để đo lượng nước phù hợp.  Bạn chỉ cần chừa mực nước bằng khoảng cách từ lóng tay đầu tiên đến bề mặt gạo là cơm sẽ vừa đủ nước cho đa số loại gạo. 

  1. Dùng các loại nước dùng khác nước trắng

Bạn đã từng thử nấu cơm với các loại nước dùng như nước hầm xương thịt, nước luộc gà, nước rau củ, nước lá dứa, sữa, nước dừa, v.v.? Hãy thử nấu cơm với những loại nước này nhé. Bạn sẽ có món cơm khá đặc biệt đấy! Chẳng hạn món cơm gà nấu bằng nước dùng gà, ăn kèm với nộm gà xé phay. Món cơm nước lá dứa sẽ rất thơm ngon. 

Loading...

  1. Ngâm gạo trước khi nấu

Mặc dù bạn không nên vo gạo quá lâu bởi sẽ mất chất dinh dưỡng của gạo nhưng với một số loại gạo, đặc biệt là gạo không ưa nước, cho hạt cơm khô, bạn nên ngâm gạo khoảng 10 – 20 phút sau khi vo sạch và đổ vào nồi, cơm sẽ chín nhanh hơn, ngon và dẻo hạt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý là vì gạo đã ngâm nên bạn nên bớt lượng nước khi nấu cơm để tránh cơm bị nát nhé! 

  1. Thêm đá viên hoặc muối/dầu oliu

Theo dân gian, bạn cũng có thể sử dụng đá viên, muối, hoặc dầu oliu để giúp cơm ngon hơn. Khi bạn thêm một vài viên đá lạnh vào gạo trước khi nấu, đá sẽ giúp làm chậm thời gian hấp thu nước của hạt gạo, giúp hạt cơm được dẻo ngon hơn khi chín. Ngoài ra, đá viên cũng giúp làm tăng lượng axit amin có tác dụng ngăn chặn enzym phân hủy chất ngọt trong gạo, giúp hạt cơm giữ được độ ngọt khi chín.

Trong khi đó, dầu oliu hay dầu mè, bơ sẽ giúp hạt cơm được bóng bẩy, mềm dẻo. Bạn chỉ cần thêm một lượng nhỏ vào gạo trước khi nấu. Ngoài các mẹo trên, để cơm lâu thiu, muối là một “phụ gia” cứu tinh cho nồi cơm trong mùa hè nắng nóng đấy. 

  1. Chú ý lửa trong thời gian nấu

Nhiều người nôn nóng mong nồi cơm nhanh sôi để có thể tập trung làm công việc khác nên có thể nấu lửa to. Tuy nhiên, đây là cách làm chưa đúng đắn. Khi nấu cơm, bạn cần điều chỉnh lửa vừa phải trong suốt thời gian nấu. Sau khi nồi cơm sôi mạnh, lửa cần được giảm bớt hơn nữa. Ngoài ra, trong khi nấu cơm, bạn cần hạn chế tối đa việc mở nắp. Việc này sẽ khiến nồi cơm không kín hơi, cơm dễ bị sống hoặc không ngon. 

Hi vọng với những bí quyết này, bạn sẽ có ngay một nồi cơm thơm ngon chính hiệu mà không cần phải nhờ tới nồi cơm điện thần thánh!

Advertisements